Ngày 25/9/2018, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”. Tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng. Thực tiễn cho thấy với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem như một ‘đòn bẩy’ hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội”.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong tương lai các hoạt động giáo dục tài chính từ phía các tổ chức đến khách hàng tài chính vi mô cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao khả năng quản lý thu nhập – chi tiêu của khách hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân.
(Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trang chu/ttsk/ttsk_ chitiet?, ngày truy cập 03/10/2018.)